Nam giới có nhiều lợi thế
Các nhà quản lý cho biết không chỉ nữ giới mà nam giới cũng có những điểm mạnh, thuận lợi khi theo đuổi nghề giáo viên (GV) mầm non. Bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết điểm mạnh của các thầy là giỏi công nghệ, sáng tạo, luôn suy nghĩ ra những cái mới để dạy cho học trò, chịu khó chăm chút cho công việc, hồ sơ sổ sách rất chỉn chu, có những bước nhảy vọt trong sự nghiệp của mình. Bà Điệp thông tin: Toàn TP có 21 thầy giáo mầm non, 8 thầy trong số đó là cán bộ quản lý, trong đó một là cán bộ quản lý cấp phòng GD-ĐT, 7 thầy là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng. Đó là tỷ lệ rất cao.
"Nếu được học thầy giáo mầm non, các bé sẽ phát triển rất tốt về nhiều mặt. Trong số 13 GV đang trực tiếp giảng dạy, chăm sóc cho trẻ tại các trường mầm non công lập tại TP.HCM, tôi biết 3 thầy giáo trẻ là GV mầm non dạy giỏi cấp TP. Đó cũng là những nhân tố rất triển vọng cho đội ngũ quản lý trong tương lai", bà Điệp nhận xét.
Đồng thời, bà Điệp cho hay trong thực tế, các thầy giáo mầm non không chỉ có thế mạnh để phát triển sự nghiệp vững vàng mà ở cuộc sống gia đình, các thầy giáo cũng có tổ ấm sung túc, các con được chăm sóc, dạy dỗ chu toàn. Về nhà, các thầy là người sẻ chia với vợ từ những việc nhỏ, chăm chút, bảo ban con cái học hành, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Đam mê đủ lớn sẽ vượt qua rào cản
Ông Lương Trọng Bình, Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.3 (TP.HCM), người đã có 34 năm làm công tác mầm non, cho biết có một số lý do để nam giới còn e ngại với nghề GV mầm non. Vì nghề này không phải chỉ dạy cho trẻ, tổ chức cho trẻ chơi mà còn phải lo nhiều tiểu tiết, từ việc cho trẻ ăn, trông chừng trẻ ngủ, lo cho trẻ đi vệ sinh, dỗ trẻ khóc, làm đồ chơi, đồ dùng dạy học… Nên nếu có đam mê nghề dạy học, nhiều bạn nam chọn giáo dục phổ thông - chứ không phải mầm non, để được toàn tâm toàn ý vào việc dạy học hơn. Tuy nhiên, dù ít, vẫn có những thầy giáo mầm non đang làm rất tốt công việc của mình.
"Không quan trọng là nam hay nữ. Quan trọng là bạn có đủ đam mê với nghề, bạn cố gắng, vừa làm vừa học, vừa sáng tạo, thì tự khắc bạn phát triển trong nghề, bạn được nhìn nhận. Cũng giống như nữ giới có một số ít bạn vẫn thành công với nghề cơ khí, kỹ thuật nặng nhọc, vì các bạn có đủ đam mê, sáng tạo, nỗ lực", ông Lương Trọng Bình nói.
Theo ông Bình, bí quyết để thành công trong nghề GV mầm non, dù nam hay nữ, đó là "phải yêu nghề mình chọn, yêu những em bé nhỏ mầm non, yêu nghề dạy học, yêu việc chăm sóc các con, yêu cả cách dỗ các con nín khóc, yêu cách tổ chức cho trẻ chơi, vệ sinh cho trẻ…".
"Xã hội ngày càng tiến bộ, đang có một thế hệ thanh niên mới, tiên tiến, hiện đại, các bạn không phân biệt giới tính khi chọn nghề. Nhiều bạn hiện nay đang chọn những nghề mà nếu như trước đây, ông bà ta đã nói là không dành cho giới tính đó, nhưng các bạn đủ đam mê và vẫn dấn thân. Tôi nghĩ thời gian tới sẽ có nhiều nam giới chọn GV mầm non. Càng nhiều bạn nam chọn thì ngành GV mầm non càng thành công", ông Bình nhận định.
Cần cái nhìn cởi mở
Theo tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao, Trưởng khoa Giáo dục mầm non, Trường ĐH Sài Gòn, các thầy giáo mầm non năng động, mạnh mẽ, thể hiện được những sở trường của giới tính mình trong việc giáo dục, chăm sóc trẻ. Đặc biệt, giới tính nam - số ít trong các trường mầm non hiện nay (đại đa số là GV, nhân viên nữ) cũng chính là lợi thế khiến các trường đều muốn tuyển dụng GV nam.
Tiến sĩ Quỳnh Dao cho hay sư phạm mầm non đã có các chính sách miễn học phí, trợ cấp phí sinh hoạt để thu hút người học. Song để xóa bỏ định kiến về giới tính mạnh mẽ hơn nữa khi chọn ngành học này còn là câu chuyện của tư vấn tuyển sinh, công tác truyền thông về giới của toàn xã hội, đồng thời còn là bài toán làm sao cải thiện lương, thu nhập, cơ chế đãi ngộ, thu hút GV mầm non nói chung.
Chị Nguyễn Thị Song Trà, sáng lập dự án Giáo dục giới tính S Project, Giám đốc Công ty TNHH Giáo dục và Đào tạo TH, cho rằng: "Vấn đề quan trọng nhất khi chọn nghề là mỗi người nên đánh giá đúng để có sự lựa chọn phù hợp với bản thân. Khi có những đánh giá đúng, chắc chắn chúng ta sẽ có cách bảo vệ cho lựa chọn của mình, đi theo con đường đã định".
Đồng thời, theo chị Trà, cần thay đổi định kiến rằng nam giới làm GV mầm non thì sẽ không nuôi dạy trẻ tốt. Xã hội cần những cái nhìn cởi mở, thấu hiểu và khuyến khích nhiều hơn để nam giới có thể mạnh dạn theo đuổi ngành này nếu họ thực sự yêu thích. Cần xây dựng các hoạt động nhằm mang đến sự cởi mở, thấu hiểu hơn ở các thế hệ để mọi người hiểu rằng: Việc lựa chọn nghề nghiệp không hoàn toàn phụ thuộc vào giới tính.
Đồng thời, các cơ quan, ban ngành, cơ sở giáo dục đào tạo nên tạo các chiến dịch trải nghiệm và khuyến khích các bạn vào với các nhóm ngành vốn bị cho là không phù hợp với giới tính của mình. Ví dụ, mở ra các chương trình khuyến khích nam giới theo học GV mầm non, hay nữ giới đến với lập trình, kỹ sư, sửa chữa ô tô, sửa chữa máy bay…
Theo Báo Thanh Niên
- Bình luận
- Sinh viên Khoa Xã hội học – Truyền thông trường Đại học Bình Dương được vinh danh “Gương đoàn tiêu b (23.03.2024)
- Cha mẹ rủ nhau cùng con ‘Đặt điện thoại xuống, cầm sách lên’ (16.01.2024)
- Bạo lực học đường từ những hội, nhóm trên mạng (16.01.2024)
- Chàng trai Quảng Ngãi quỳ lạy mẹ trong ngày tốt nghiệp thạc sỹ (08.01.2024)
- Bạn trẻ đua nhau khoe tình yêu với áo dài (07.01.2024)
- TP HCM chấn chỉnh nhiều trung tâm ngoại ngữ, tư vấn du học (06.01.2024)
- Tuyển sinh lớp 10 năm 2024: Sở GD-ĐT TP HCM ra hướng dẫn ôn thi môn ngữ văn (18.12.2023)
- “Nghĩa tình đồng đội 2” sắp diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh (16.12.2023)
- Thông tin đăng ký chương trình Mang Tết Về Nhà 2023 (28.11.2022)
- Bình Định được phép thí điểm đón du khách quốc tế (04.01.2022)
Vui lòng để lại thông tin của bạn